Một nghiên cứu mô phỏng mới đem lại cho chúng ta đáp án vì sao những loài bò sát khổng lồ từng thống trị hành tinh đã biến mất.

Tuy khủng long đã tuyệt chủng hơn 65 triệu năm, những con vật khổng lồ này vẫn khiến chúng ta hào hứng. Chúng ta kinh ngạc khi các hóa thạch cổ xưa xuất hiện ở các hố khai quật, và giói cổ sinh vật đã đào lên nhiều bộ xương của những loài khủng long chưa biết.

Nhưng vì sao những sinh vật khổng lồ này lại biến mất khỏi hành tinh? Nhiều nhà khoa học nhất trí rằng một tiểu hành tinh đâm vào bờ biển ở Mexico đã khiến khủng long tuyệt chủng. Nhưng đó có thực sự là nguyên nhân? Nó đã kích hoạt những thảm họa tự nhiên trên toàn cầu như sóng thần, động đất và một vụ phun trào núi lửa lớn? Có phải lưu huỳnh bay hơi từ vụ va chạm này? Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Bỉ đã góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi đó.

Theo nghiên cứu này, sự kiện tiểu hành tinh đâm vào Trái đất có thể đã kích hoạt một hiệu ứng domino thảm khốc. Sau các nghiên cứu giả lập toàn diện, các nhà khoa học kết luận rằng một đám mây khổng lồ chứa mảnh vụn và bụi mịn từ cuộc va chạm đã đẩy hành tinh của chúng ta vào mùa đôngkéo dài.

Nhóm đã lấy các mẫu bụi hóa thạch từ một lòng sông cổ ở Bắc Dakota có niên đại ngay sau khi xảy ra vụ tiểu hành tinh va chạm và dùng chúng để tạo ra một loạt tình huống trên máy tính. Các kết quả cho thấy bụi từ vụ va chạm có thể đã gây ra tác động hủy diệt trên hành tinh và mọi sự sống vào thời điểm đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: simplemost.com
Ảnh minh họa. Nguồn: simplemost.com

Các mô hình giả lập cho các nhà khoa học thấy bầu khí quyển đã hứng khoảng 2.000 giga tấn bụi sau vụ va chạm và nhiều khả năng màn bụi này đã bao trùm bầu khí quyển khoảng 15 năm. Các nhà nghiên cứu kết luận đám mây bụi đã che khuất Mặt trời, khiến nhiệt độ của Trái đất giảm tới 15°C.

Ngoài khiến nhiệt độ giảm mạnh, đám mây bụi nhiều khả năng còn ảnh hưởng tới cách bức xạ mặt trời tới được Trái đất. Ít bức xạ hơn sẽ khiến thực vật không thể tiến hành quang hợp và chết. Không có thực vật, những loài khủng long ăn cỏ sẽ chết dần chết mòn, và ảnh hưởng đến những loài khủng long khác.

Theo các mô hình của nhóm thì mất gần hai năm thực vật mới bắt đầu lấy lại khả năng quang hợp. Lúc đó, thiệt hại đối với chu kỳ sống của khủng long đã không thể đảo ngược. Nhưng các loài động vật khác đã sống sót.

Những hệ động vật và thực vật có khả năng bất hoạt (chẳng hạn, tồn tại dưới dạng hạt, nang hay ngủ đông trong hang) và có khả năng thích ứng với lối sống chung chung hơn (nghĩa là không lệ thuộc vào một nguồn thức ăn cụ thể) sẽ sinh tồn giỏi hơn, giống như các động vật có vú kích thước nhỏ - theo đồng tác giả nghiên cứu Özgür Karatekin, nhà khoa học hành tinh ở Đài thiên văn Hoàng gia, Bỉ.

Nghiên cứu đã được đăng trên Nature Geoscience.


Nguồn: